Đường bộ Giao_thông_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh

Xe buýt Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống đường bộ của Thành phố Hồ Chí Minh dày đặc, có tổng chiều dài 4.044 km lớn nhất trong các đô thị ở Việt Nam.[4] Ở khu vực trung tâm (Quận 1, Quận 3, Quận 5) do được quy hoạch tốt thời Pháp thuộc và do mật độ đường cao nên hiện vẫn cơ bản đáp ứng được lưu lượng giao thông. Tại các quận quanh khu vực trung tâm và các vùng ven nội thành, tình hình giao thông thuộc loại xấu do ùn tắc thường xuyên. Nguyên nhân là tại các khu vực này đô thị phát triển tự phát, không có quy hoạch, đường được xây sau khi đã có dân cư.

Từ năm 1996 đến nay, thành phố đã tiến hành chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đường và công trình giao thông trọng điểm.

Đường trục và cao tốc

Ở khu trung tâm, các tuyến đường đô thị được kết nối với nhau theo mạng lưới tuyến đồng nhất, chạy theo hướng Đông sang Tây xuyên suốt từ Quận 1, 3 (Sài Gòn cũ) đến Quận 5 (Chợ Lớn cũ), như: Đường Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng – Nguyễn Trãi, Xô Viết Nghệ Tĩnh – Nguyễn Thị Minh Khai – An Dương Vương, Điện Biên Phủ – Ngô Gia Tự, Võ Thị Sáu – Ba Tháng Hai. Chạy theo hướng Bắc – Nam có một số tuyến đường chính như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám – Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Âu Cơ.

Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Từ cửa ngõ vào nội ô Thành phố có một số tuyến lớn như sau: Xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ (phía Đông), Nguyễn Hữu Cảnh (phía Đông), Đại lộ Nguyễn Văn Linh (phía Nam), Kinh Dương Vương - Hồng Bàng (phía Tây), Trường Chinh (phía Bắc), Phạm Văn Đồng (phía Đông Bắc) và Quốc lộ 13 (phía Đông Bắc). Trong đó các tuyến Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh cùng Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây) được đầu tư đáng kể với hạ tầng vật chất, phân làn quy mô lớn, nút giao thông hiện đại.

Là đầu mối giao thông lớn, Thành phố là nơi khởi điểm của nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch, như Quốc lộ 13 (đi Bình Dương, Bình Phước), Quốc lộ 22 (đi Tây Ninhcửa khẩu Mộc Bài), Quốc lộ 50 (đi Long An). Quốc lộ 1A đi qua địa bàn thành phố theo một tuyến vành đai ở phía Bắc (giữa ngã ba An Lạc và cầu vượt Trạm 2) rồi nhập vào Xa lộ Hà Nội ở gần Suối Tiên.

Thành phố được kết nối với các vùng qua hai đường cao tốc chính: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương (đi Mỹ Tho, Tiền Giang) và Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (đi Long Thành, Đồng Nai).

Hiện nay, Thành phố đang tập trung hoàn tất các đường vành đai 2 và đầu tư các đường vành đai 3 và 4 và Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến cao tốc đi Cửa khẩu Mộc Bài.

Cầu Phú Mỹ.

Cầu và hầm

Cầu Sài Gòn là cửa ngõ chính ra vào nội ô từ các tỉnh miền Trungmiền Bắc và là điểm kẹt xe thường xuyên vào giờ tan tầm trên tuyến Xa lộ Hà Nội. Cầu ban đầu được xây từ năm 1958 và khánh thành năm 1961 dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 19982011, cầu được nâng cấp tải trọng, mở rộng mặt đường và gia cố hệ thống kỹ thuật. Một chiếc cầu mới song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, cầu Sài Gòn 2, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013. Từ đó đến nay, tình trạng kẹt xe đã cơ bản được giải quyết.[5]

Đường hầm sông Sài Gòn (Hầm Thủ Thiêm).

Ở ngõ phía Đông Nam là cầu Phú Mỹ, nối Quận 2 với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7. Đây là cầu dây văng hiện đại và là biểu tượng của Thành phố. Cầu được khánh thành năm 2009 tạo thành tuyến vành đai giúp giảm tải lượng xe đi qua khu vực nội thành, đặc biệt là xe tải và xe quá tải.

Hầm Thủ Thiêm (tên chính thức: Đường hầm sông Sài Gòn) là hầm dìm vượt sông đầu tiên của Việt Nam. Hầm này được khánh thành năm 2011 và là một phần trong dự án Đại lộ Đông – Tây, nối Quận 1 với bán đảo Thủ Thiêm, Quận 2. Đường hầm có 6 làn xe ô tô, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn (có ngầm đáy sông). Nguồn vốn đầu tư từ Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản có vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Ùn tắc giao thông

Tỷ lệ dân sử dụng xe bus rất thấp, phần lớn sử dụng xe gắn máy. Số phương tiện giao thông hoạt động ở Thành phố luôn ở mức cao: tính đến tháng 4 năm 2016, Thành phố quản lý gần 7,6 triệu phương tiện (bao gồm gần 580.000 xe ô tô và xấp xỉ 7 triệu xe mô tô). Bên cạnh đó, hằng ngày còn hàng triệu các xe mang biển số của các tỉnh thành khác vào thành phố làm việc, học tập. Phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là mô tôxe gắn máy, chiếm tỉ lệ trên 90%; còn lại là các phương tiện khác như ô tô, xe buýt.[4] Vì thế ùn tắc giao thông hiện là vấn đề nan giải thường xuyên ở thành phố, nhất là vào giờ cao điểm tan tầm.

Cầu vượt nhẹ được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm ùn tắc đô thị. Từ năm 2012 đến nay, Thành phố đã thi công và đưa vào sử dụng 5 cầu vượt tại nhiều giao lộ lớn.

Taxi

Thành phố hiện có khoảng 12.500 xe taxi thuộc 15 hãng taxi tư nhân đang hoạt động.[6] Sở Giao thông Vận tải là cơ quan trực tiếp quản lý cấp phép, thanh tra hoạt động này. Khác với nhiều thành phố trên thế giới, taxiThành phố Hồ Chí Minh tự chọn màu xe theo ý muốn chứ không sơn màu đặc trưng cố định. Vinasun đang có thị phần lớn nhất trên thị trường taxi nơi này.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giao_thông_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh http://vinasuncorp.com/home/thong-tin-bao-chi/424-... http://www.baogiaothong.vn/tphcm-tim-giai-phap-keo... http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kie... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tp-hcm-tu-tin... http://maur.hochiminhcity.gov.vn/web/bqlds/home;js... http://www.mt.gov.vn/mthanhtra/tin-tuc/855/12530/t... http://plo.vn/thoi-su/nhieu-diem-sang-o-cau-sai-go... http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160331/nguoi-phap-... http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20151205/san-bay-tan... http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160615/tam-ngung-c...